Cả sân hội Gầu Tào rộn rã, xôn xao trong nắng xuân Tà Mung, dòng thổ cẩm đủ màu dường như nhuộm cả không gian nhìn từ trên cao như một bức tranh rực rỡ...
Tà Mung là xã vùng cao ở phía nam huyện Than Uyên (Lai Châu), là vùng cư trú của đồng bào dân tộc Mông từ lâu đời. Trải qua quá trình lịch sử, nhiều phong tục cổ truyền của người dân bị mai một, thất truyền. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND huyện Than Uyên đã tổ chức phục dựng lễ hội Gầu Tào tại xã Tà Mung, một trong những lễ hội lớn nhất của cộng đồng người Mông.
Lễ hội Gầu Tào năm nay có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu. Ảnh: Hồng Nhung.
Ngày mùng 10 tháng Giêng (tức ngày 31/01/2023), UBND huyện Than Uyên đã long trọng tổ chức phục dựng nguyên gốc lễ hội Gầu Tào với sự tham gia của đông đảo các đại biểu, khách mời, cộng đồng dân tộc Mông xã Tà Mung và các xã, bản có người Mông cư trú trên địa bàn huyện cùng đông đảo du khách.
Người Mông vốn sống gắn bó với tự nhiên vùng núi cao, họ thích "Hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân" mà tiếng Mông gọi là "Gầu Tào". Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mà bên cạnh phần lễ, phần hội bộc lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng.
Ở Tà Mung, người Mông có 787 hộ, 4.427 nhân khẩu, cư trú ở 5/11 thôn bản. Những năm qua, người Mông xã Tà Mung được huyện Than Uyên đầu tư các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Các lễ hội dân gian được sưu tầm, nghiên cứu phục dựng, hướng tới xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Các đại biểu tham gia chơi ném pao. Ảnh: Hồng Nhung.
Đảng bộ huyện Than Uyên xác định “Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”, trong đó việc phục dựng nguyên gốc lễ hội Gầu Tào ở xã Tà Mung năm 2023 để làm thí điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến tới nhân rộng, tạo tiềm năng để lễ hội Gầu Tào trở thành một tài nguyên, hướng tới xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn...
Đến Tà Mung trong những ngày tháng Giêng, mỗi du khách không chỉ được ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh quan thiên nhiên lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn, tham dự chợ phiên, mua sắm sản vật địa phương, mà còn được hòa mình vào dòng thổ cẩm muôn sắc màu đổ về tham dự lễ hội Gầu Tào.
Thi hát ống tại lễ hội. Ảnh: Hồng Nhung.
Gầu Tào thường được người Mông tổ chức vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đây vốn là lễ hội được một gia đình đứng ra tổ chức để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho họ đạt được những ước nguyện trong cuộc sống, hướng đến hạnh phúc, ấm no. Tuy là lễ hội do gia đình tổ chức, nhưng Gầu Tào luôn nhận được sự hỗ trợ to lớn cả về nhân lực và vật lực của dòng họ và cả cộng đồng làng bản. Bãi hội được mở trên một quả đồi tương đối bằng phẳng, xung quanh có núi cao hơn bao bọc.
Ông Trần Tiến Dũng (trái), Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tham gia trò chơi đẩy gậy. Ảnh: Hồng Nhung.
Trước khi mở lễ, người chủ sự sẽ làm lý xin 2 cây tre để làm cây nêu. Họ sẽ mang lễ đến nhà có cây tre to cao để xin tre (lễ có rượu, bánh, trái cây…), sau đó ra bụi tre, làm lễ tại bụi tre xin chặt tre, rồi về bãi đất rộng được chọn để tổ chức lễ hội để làm lễ xin thần linh cho trồng cây nêu (đồ lễ là giấy bản, hương). Trên ngọn cây nêu có bầu rượu, ngũ cốc, có mảnh vải lanh màu đen, màu đỏ bay trong gió, như lời mời gọi mọi người về dự lễ hội. Dưới gốc cây nêu treo khèn, ô đen, tù lu, các ống tre đựng rượu và ống cơm nếp.
Chơi nhảy dây pao. Ảnh: Hồng Nhung.
Đến ngày tổ chức lễ hội, khi dân bản và du khách kéo về dự hội, người chủ lễ sẽ cùng gia đình thực hiện nghi lễ cúng. Ông chủ lễ tiến đến bên cây nêu, thắp hương và khấn lạy xin thần linh cho phép mở hội. Lời bài khấn có đoạn: “Hôm nay là năm Quý Mão, tháng Giêng, ngày mùng mười, chúng tôi đến để dựng cây nêu mở hội Gầu Tào. Ở giữa đồi này chúng tôi dâng tiền bạc cho thần linh. Xin thần phù hộ cho chúng tôi có con trai đông như đàn gà, có con gái đông như đàn vịt, không có ốm đau bệnh tật…”. Cúng xong, chủ lễ hát khai hội, bài ca “Lý mở hội”. Chủ lễ cùng những người hát hội xòe ô đi vòng quanh cây nêu cất vang lời ca. Lời bài ca có đoạn:
Toàn cảnh nơi diễn ra chương trình phục dựng lễ hội Gầu Tào. Ảnh: Hồng Nhung.
Hôm nay chúng tôi dựng nêu giữa đồi cho gái trai về hội
Hãy vươn cao giữa đồi gọi mọi người về chơi, nêu ơi!
Vải lanh tung bay gọi người Mông mình về đây nhé!
Về đây ta cùng thổi bài khèn cái lý người Mông…
Sau đó, chủ lễ hào hứng mời tất cả mọi người tham gia các trò chơi. Người nào trò đó, các tiết mục thổi khèn diễn ra ngay tại trung tâm sân hội, 12 người múa khèn đẹp nhất sẽ biểu diễn nhiều điệu múa khác nhau, ở các góc khác nhau của sân hội sẽ có hát ống, đánh tù lu, “rồng chơi trứng”, nhảy dây pao, ném pao, đẩy gậy, hát “gầu plềnh”… thu hút rất đông người tham gia.
Bà con nhân dân tham dự lễ hội. Ảnh: Hồng Nhung.
Mỗi khi có người chơi thua hoặc thắng, có người hát hay thì các chủ nhóm trò chơi sẽ mời người chơi uống rượu. Các chén rượu bằng ống nứa được truyền tay nhau từ người này qua người khác như một sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng dân tộc, các du khách tham gia cũng rất hào hứng, họ được các nhóm trò chơi mời uống chút rượu trong chiếc chén nhỏ xíu bằng ống nứa.
Trẻ em, thanh niên mặc trang phục đẹp nhất. Các cô gái xúng xính trong những bộ trang phục sặc sỡ, chơi pao hoặc du xuân. Có người cầm lá để thổi kèn lá, hoặc cầm đàn môi, cầm khèn, cầm nhị nhẹ nhàng thổi những bài ca về mùa xuân trên núi, về tình yêu đôi lứa, bản làng...
Chủ lễ thực hiện nghi lễ cúng thần linh xin khai hội. Ảnh: Hồng Nhung.
Tiếng hát ống, tiếng khèn, những câu dân ca giao duyên gầu plềnh tha thiết… Những du khách đến dự hội tham gia các trò chơi, theo dõi và cổ vũ, thanh niên nam nữ dập dìu khắp triền đồi… Cả sân hội Gầu Tào rộn rã, xôn xao trong nắng xuân Tà Mung, dòng thổ cẩm đủ màu dường như nhuộm cả không gian nhìn từ trên cao như một bức tranh rực rỡ.
Những người đến hội Gầu Tào cầu may sẽ đến gốc cây nêu, thắp hương cầu khấn những điều ước nguyện về con cái, kinh tế, về sức khỏe…, cầu xin thần linh phù hộ cho họ thoát khỏi khó khăn. Hội chơi từ sáng đến chiều mới giã hội.
Bài; ảnh: Hồng Nhung