NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

LAI CHÂU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG HƯỚNG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cập nhật: 14/06/2023
Theo xu thế hiện nay, du lịch được xem như một công cụ xóa đói giảm nghèo của nhiều nước, nhiều địa phương. Lai Châu - miền đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vỹ, văn hóa độc đáo là điều hấp dẫn để du khách bốn phương tìm đến. Lai Châu đã bắt đầu chú trọng phát triển đến mô hình du lịch cộng đồng theo hình thức Homstay. Đây là loại hình “du lịch xanh” lý tưởng tạo điều kiện để du khách khám phá kho tàng văn hóa đặc sắc hấp dẫn, thay vì ở khách sạn, nhà nghỉ, du khách sẽ ở ngay tại nhà của bà con bản địa. Mô hình du lịch cộng đồng đang mở ra một hướng phát triển kinh tế bền vững.

Một góc bản Hon, huyện Tam Đường

Bà con tại các điểm bản du lịch khi tiếp cận với làm du lịch ai cũng có tâm trạng lo lắng. "Vạn sự khởi đầu nan",  không lo sao được bởi bao đời nay, bà con chỉ quen với việc lên nương làm rẫy. Khi được Chính quyền địa phương và ngành văn hóa vận động tham gia xây dựng bản du lịch cộng đồng, người dân đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc. Chị Lò Thị Hiêng, bản Hon, xã Bản Hon (Tam Đường cho biết: "Ngày đầu mới làm quen với mô hình du lịch cộng đồng, gia đình tôi lo lắm, vì ai cũng hiểu làm du lịch khó hơn làm nương rất nhiều. Khi được cán bộ văn hóa tận tình hướng dẫn chỉ bảo từ cách giao tiếp, giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng mà mình sẵn có, nên chúng tôi đã mạnh ran, tự tin hơn".

Bản Hon huyện Tam Đường được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là điểm du lịch văn hóa cộng đồng vào năm 2013. Bản Hon phần lớn là đồng bào Lự sinh sống, với hơn 100 nóc nhà sàn khá cổ kính, còn nguyên nét xưa, đây là một trong những địa điểm được du khách thường xuyên ghé thăm. Những năm qua, ngoài sự đầu tư của Chính quyền địa phương, nhiều gia đình đã đầu tư kinh phí cải tạo nâng cấp nhà ở, sản xuất hàng thủ công truyền thống, khôi phục các hoạt động văn nghệ, dựng lại một số nghi lễ truyền thống để phục vụ khách du lịch. Gia đình anh Lò Văn Sâu, trung bình mỗi tháng có khoảng 15 đoàn khách đến tham quan, với giá 100.000/suất ăn, 150 nghìn đồng/người/tối ngủ, mỗi năm bản có doanh thu từ 150 đến 200 triệu đồng: "Trước đây khi nhà nước chưa có chủ trương xây dựng bản du lịch, thì đường xá, nhà cửa của bản không được sạch sẽ quy củ như bây giờ. Từ khi đăng ký bản văn hóa du lịch, bà con được đón tiếp nhiều đoàn khách, có thu nhập, đời sống ngày một nâng lên, đến nay hộ nghèo của bản không còn nhiều", anh nói.

Hai ngôi nhà trình tường của gia đình anh Vàng A Chỉnh, ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ) từ lâu đã thành điểm đến của nhiều đoàn, nhiều du khách với ý tưởng tìm hiểu, khám phá vùng đất phía bắc Phòng Tô. Đến đây, du khách được sống trong không gian nhà trình tường ấm cúng và thưởng thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc vùng miền như: cá sấy, cá bống vùi tro, cơm lam, ve sầu… ; ngoài thưởng thức ẩm thực, du khách được tìm hiểu các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, Dao nơi đây. Mỗi năm gia đình anh Chỉnh đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước, với mô hình du lịch công đồng đã mang về cho gia đình anh trên 100 triệu đồng mỗi năm. Anh Chỉnh chia sẻ: "Làm du lịch cộng đồng không khó, chủ yếu là mình phải biết tuyên truyền, giữ gìn các nét văn hóa dân tộc mình, rồi giới thiệu đến các du khách để họ hiểu hơn về vẻ đẹp bản sắc miền đất mà họ đến. Và không ai khác, chính các du khách sẽ là cầu nối, quảng bá, mang hình ảnh của  của đồng bào mình, của bản mình ra bốn phương".

Được biết Sin Suối Hồ ngoài mô hình Homstay, Chính quyền nơi đây còn xây dựng một phiên chợ rất bản sắc, mang tên chợ đá, chợ chỉ họp vào chủ nhật hàng tuần. Anh Hảng A Sà - chủ sạp hàng, say sưa giới thiệu các sản của bà con đến với du khách. Đó là những vật dụng gia đình được chế tác, thu nhỏ rất tinh tế. Anh trải lòng: Những thứ này trước đây, người dân chỉ làm cho con trẻ chơi trong ngày tết, ngày hội, cứ ngỡ nghề này sẽ thất truyền, bởi hàng hóa ngày một đa dạng, đồ chơi được bán dong nhiều.

Độc đáo chợ phiên Sin Suối Hồ

Từ ngày xã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, có chợ, bà con lại có thêm việc làm. Nhìn sạp hàng của anh Sà có đủ các đồ dùng, vật dụng hàng ngày của đồng bào, nay trở thành những sản phẩm du lịch thật xinh xắn như: Dao phát, cày, cuốc, cối giã gạo, lu cở, trang phục… qua bàn tay khéo léo của các già bản, chúng đẹp và lung linh hơn bằng các chất liệu tre, gỗ, đá. Đến nay, Lai Châu có nhiều điểm văn hóa du lịch mà du khách đã thuộc lòng bàn tay như: Bản Hon, chợ Tam Đường đất, động Tiên Sơn, động Pu Sam Cáp…

Để giúp bà con làm du lịch chuyên nghiệp, hàng năm Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã mở các lớp tập huấn kỹ năng giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của các dân tộc và chia sẻ kinh nghiệm cách làm hay trong qúa trình làm du lịch góp phần nâng cao kỹ năng của bà con dân bản trong hoạt động du lịch ngày một chuyên nghiệp hơn.

Các lớp tập huấn du lịch được mở thường xuyên hơn

    Hà Minh Hưng - Minh Hoàng

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm