NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Đánh thức tiềm năng du lịch Than Uyên

Cập nhật: 31/07/2023
Nhắc đến du lịch Lai Châu, có lẽ du khách đã quá quen với các địa danh như: Pasamcap, Lao Tỷ Phùng, Chợ đêm/chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu) hay Ô Quý Hồ, Cầu kính Rồng Mây, Sì Thâu Chải, Nà Khương, Pu Ta Leng (Tam Đường) rồi lại là Sin Suối Hồ, Bạch Mộc Lương Tử/Ky Quan San (Phong Thổ). Nhưng bên cạnh đó, Lai Châu vẫn còn nhiều địa danh du lịch mang trong mình vẻ đẹp thuần khiết, yên bình, đó chính là “Than Uyên” một địa danh với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn còn chưa được đánh thức.

Vùng đất giàu tiềm năng

Địa điểm đồi thông tại Than Uyên thu hút du khách du lịch

Than Uyên là huyện nằm ở một thung lũng lớn khép kín giữa hai ngọn núi Púng Luông và Hoàng Liên Sơn, cách thành phố Lai Châu khoảng 100km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 300km (theo quốc lộ 32). Phía Đông giáp tỉnh Lào Cai (quốc lộ 32 và quốc lộ 279), tỉnh Yên Bái (quốc lộ 32); phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Sơn La; phía Bắc giáp huyện Tân Uyên; Là nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có giá trị để khai thác phát triển du lịch như: hang Che Bó - một quần thể hang động nằm sâu trong lòng núi dài gần 750 km; quần thể thắng cảnh Ta Gia; cảnh quan Vịnh Pá Khôm, khu vực Tà Mung; hồ thuỷ điện Bản Chát và Huổi Quảng xunh quanh hồ thuỷ điện là những cánh rừng già tự nhiên, dòng Nậm Mu đến những dãy núi đá vôi trắng xóa và cánh đồng Mường Than là được mệnh danh là “vựa lúa lớn thứ 3 của vùng Tây Bắc”.

 Không chỉ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên, Than Uyên còn được biết đến là nơi sinh sống của 10 dân tộc, chính điều đó đã tạo lên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú. Hiện nay, Than Uyên có 05 di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh như: Khu Đồn Pháp (xã Phúc Than), căn cứ hoạt động của Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lai Châu (xã Mường Kim), Hang Tà Mung (xã Tà Mung), Quần thể hang động Bản Mè (xã Ta Gia) và Thẳm Đán Chể (xã Mường Kim) và rất nhiều các điểm tham quan khác: chợ phiên Nậm Pắt, bản Nà Khoảng (xã Mường Kim) - một trong những căn cứ du kích thời kỳ chống Pháp, tiểu phỉ những năm 1950-1951, cùng với đó là những bản làng mang đậm nét văn hoá truyền thống từ kiến trúc nhà, trang phục truyền thống, làn điệu dân ca dân vũ của người dân tộc Mông, người Thái, người Khơ Mú… đến ẩm thực với những món ăn độc đáo của đồng bào vùng cao như: Cáy Pỉnh, Mo, Pa Pỉn Tộp, Khẩu Hốc, Nhứa Giảng…

Đưa Than Uyên trở thành điểm đến mới hấp dẫn

Tuy sở hữu nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn, có thể khai thác phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như: du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch văn hóa, du lịch khám phá – mạo hiểm..., nhưng hàng năm Than Uyên chỉ đón một lượng khách khiêm tốn; các điểm du lịch sinh thái lòng hồ hay giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ tại những bản làng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của đa số du khách khi đến với Lai Châu. Có rất nhiều nguyên nhân khiến du lịch Than Uyên chưa trở thành điểm sáng về du lịch với Hệ thống giao thông kết nối đến các điểm du lịch trên địa bàn, kết nối tuyến trên cung đường Sapa – Pá Khôm - Quỳnh Nhai (Sơn La) - Mộc Châu – Hà Nội hoặc cung đường Mù Cang Chải – Tà Mung – Pa Khôm – Quỳnh Nhai – Mộc Châu – Hà Nội còn chưa được nâng cấp ảnh hưởng tới lịch trình tham quan cũng như thời gian di chuyển của du khách; sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa được đầu tư bài bản, chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch còn tự phát, manh mún; thiếu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao; công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm du lịch tới du khách còn chưa được đầu tư, chú trọng...

Tuy nhiên, để tận dụng khai thác triệt để những tiềm năng du lịch hấp dẫn, huyện Than Uyên cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, tập trung đầu tư và thu hút đầu tư để phát triển sản phẩm tiền năng và có thế mạnh của địa phương, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch như: Khu vực Vịnh Pá Khôm (đầu tư dịch vụ lưu trú chất lượng cao với các homestay, bungalow, khu vực cắm trại; dịch vụ trượt Zipline; Chèo thuyền Kayaks, lướt ván, mô tô nước…; cải tạo cảnh quan quanh khu vực Vịnh và xây dựng các điểm checkin;); phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Tà Mung (đầu tư xây dựng các điểm checkin; phát triển dịch vụ lưu trú chất lượng cao, phát triển dịch vụ khinh khí cầu, dù lượn mùa vàng…); Đầu tư tôn tạo hệ thống các di tích di tích lịch sử, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng… Từ đó, đề xuất công nhận từ 2-3 điểm du lịch cấp tỉnh trên địa bàn huyện.

Xây dựng Đề án, kế hoạch dài hạn phát triển du lịch địa phương và báo cáo, đề xuất phương án phát triển du lịch địa phương với sự vào cuộc của các chuyên gia nhằm xác định sản phẩm, tour và cần đẩy mạnh liên kết tạo ra tuyến du lịch đặc sắc kết nối với các địa phương Yên Bái, Sơn La, Lào Cai để tăng sức hấp dẫn cho hành trình của du khách; Cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch tại địa phương.

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện, xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa, con người của du khách trong giai đoạn mới...

Có như vậy, thời gian tới Than Uyên mới ghi danh mình trên bản đồ du lịch Tây Bắc, trở thành điểm đến không thể “bỏ lỡ” của du khách khi đến với mảnh đất Lai Châu.

 Hải Long

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm