NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

“Mìn Loóng Phạt” – Tết kết thúc vụ mùa của người Cống ở Nậm Nhùn

Cập nhật: 11/12/2024
Khi những bông hoa “Mìn Loóng Phạt” (hoa mào gà) nở rộ trên nương, nhuộm hồng khắp các bàn làng, cũng là lúc đồng bào dân tộc Cống ở Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) náo nức tổ chức Tết “Mìn Loóng Phạt” - Tết kết thúc vụ mùa.

Cũng như nhiều gia đình ở bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, ông Lý Văn  Hạc, hơn 70 tuổi kể: “Vào dịp khoảng tháng 11 âm lịch, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, bản làng người Cống lại đông vui. Bởi dịp này, con cái làm ăn xa lại về tụ họp và có nhiều người thân đến thăm, vui tết, vui hội. “Mìn Loóng Phạt” là  lễ hội có ý nghĩa tổng kết canh tác nông nghiệp trong một năm…”

Bản làng của đồng bào dân tộc Cống ở Tang Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn vui Tết “Mìn Loóng Phạt”

Dân tộc Cống ở xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) là một trong những dân tộc rất ít người có dân số dưới 10 nghìn người ở nước ta. Người Cống nơi đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thể hiện rõ nét ở phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội, canh tác nông nghiệp. Trước đây, Tết “Mìn Loóng Phạt” của người Cống xã Nậm Chà được tổ chức riêng ở mỗi gia đình. Ngày nay, tết trở thành lễ hội chung của bản, đây là dịp để người Cống tạ ơn thần linh đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt, bội thu, và cũng là dịp để vui chơi sau những tháng ngày vất vả, bận rộn vì việc mưu sinh và mùa màng…

Thầy cúng  thực hiện nghi thức cúng trong Tết “Mìn Loóng Phạt”.

Theo ông Lý A Chém – Trưởng bản Táng Ngá, cho biết, Một số thứ có thể thiếu, riêng “hoa mào gà” là loại hoa không thể thiếu trong Tết “Mìn Loóng Phạt”. Người Cống quan niệm là cây hoa này được ông bà tổ tiên và thần linh ban cho, để làm bạn với các loại cây trồng ở trên nương bảo vệ che chở cho các loại cây trồng khỏi sự phá hoại của sâu bệnh, chim chóc, chuột sóc, thú rừng phá hoại.

Hoa “Mìn Loóng” (hoa mào gà)  là loại hoa không thể thiếu trong Tết “Mìn Loóng Phạt”

Đúng sáng sớm ngày đón Tết “Mìn Loóng Phạt” mọi thành viên trong gia đình, dòng họ ai cũng dậy sớm ra suối gần bản để tắm hoặc gội đầu vì người Cống quan niệm là làm như thế để gội đi những xui xẻo, bệnh tật, vất vả để chuẩn bị đón một ngày mới trong năm.

Mỗi thành viên mang về một ít nước sạch về nhà với hy vọng cầu mong cho sự may mắn, tiếp đó các thành viên người Cống chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên kết thúc một mùa vụ. Khi dâng cúng tổ tiên tất cả mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc phải có mặt đầy đủ, cúng tổ tiên xong thì các sản phẩm như lúa, ngô, khoai, sắn, gừng, bí mới được mang về sử dụng.

Lễ cúng tất cả các lễ vật dâng cúng được bày lên mâm và đặt vào nơi thờ cúng tổ tiên. Lễ vật gồm có lợn, gà, hoa quả, bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, gừng, khoai lang, củ đậu, cá suối nướng, xôi, rượu trắng… Và đặc biệt có cây tre đan phên hình mắt cáo, trên đó gắn trang trong những ông hoa mào gà theo tầng lớp; cây hoa là biểu tượng linh vật của ngày lễ.

 Chủ lễ phải là nam giới, người có uy tín trong cộng đồng. Khi chủ lễ cúng tất cả bà con trong bản lần lượt quỳ phía sau vái lễ. Sau khi chủ lễ đọc hoàn thành bài khấn, sẽ ra dấu bằng hoạt động cầm túm gừng gõ vào trống chiêng một hồi để báo hiệu phần lễ đã hoàn tất. Khi ấy cả bản sẽ hòa vào phần hội, cùng múa xòe, tham gia các trò chơi dân gian, đẩy gậy, kép co, bịt mắt đánh chiêng.

Vòng Xòe đoàn kết thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng.

Kết thúc Tết “Mìn Loóng Phạt”, mọi người cùng tham gia nắm tay múa xòe, cùng uống rượu cần và đánh trống, chiêng múa hát. Đặc biệt trong phần hội mỗi người đeo theo một túi gạo cầm từng nắm tung lên cao quá đầu, để cảm tạ ông bà tổ tiên và các thần linh đã ban cho họ một vụ mùa no đủ và bội thu, con người khỏe mạnh, vạn vật phát triển…

Tuấn Hưng

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm