NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Độc đáo môn cung đá Tam Đường

Cập nhật: 04/05/2013
Trong hai ngày hội văn hóa của dân tộc Mông ở huyện Tam Đường, Lai Châu (9 và 10-3) vừa qua, duy nhất một trò thể thao lần đầu tiên chúng tôi được thấy ở đây, là trò chơi bắn cung đá…

Độc môn “bắn cung đá”, từ trò chơi của học sinh…


Trong khi chúng tôi háo hức chờ xem đua ngựa kiểu “nhà quê” (tức là cưỡi ngựa không có yên) xem có hay như ở Bắc Hà không thì anh Nguyễn Chí Công, phụ trách thể thao của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Đường rủ chúng tôi ra xem bắn cung đá. Anh khoe, “chỉ duy nhất huyện chúng tôi có môn thể thao này nhé, đố anh tìm được ở bất cứ đâu”. Thật là chúng tôi chưa thấy trò chơi này có bất cứ ở đâu, dù anh bạn đã giở điện thoại, hỏi nhanh “ông Gu –gồ” (Google).

Lúc đó khoảng 2 giờ chiều ngày mùng 9-3, khoảng 30 “thạch cung thủ” của bảy xã có người Mông sinh sống như Nùng Nàng, Khun Há, Giang Ma, Bản Hon, Sơn Bình, Bản Bo, Bản Giang… đã tề tựu đông đủ tại bãi bóng xã Giang Ma. “Đấu trường” bắn cung dài khoảng 50 m, tính từ chỗ cung thủ tới điểm đạn rơi vào vách đồi. Nghe loa thi bắn cung đá sắp diễn ra, bà con lập tức bỏ xem đẩy gậy, ào vào xem bắn cung. Các cán bộ phòng thể thao huyện, sở lại mất cả tiếng đồng hồ để ổn định người xem, không sợ đạn văng vào đám đông, nguy hiểm… Phải một lúc sau, đấu trường mới đủ rộng và an toàn. Bà con xúm vào trước sau đông nghịt, tiếng hò la rầm trời sau mỗi phát đạn bắn đi…

Trong lúc chờ đợi, em Giàng A Vảng (xã Giang Ma), một cung thủ cho chúng tôi xem cung và giải thích nguyên lý bắn cung đá cũng tương tự như cung tre thường bắn mũi tên. Cánh cung bằng tre duỗi thẳng dài khoảng trên dưới 1,2 m. Nhưng độc đáo ở chỗ, dây cung không phải bằng dây bện như bắn tên mà chỉ bằng một giang mỏng, dẻo, dài, ở giữa tách đôi rồi đan một miếng lọng nhỏ để đặt viên đạn sỏi, đá vào (ảnh). Khi bắn, cung thủ cầm cánh cung tay phải, để dọc thân cung, tay trái cầm vào chỗ để đạn rồi kéo dây bắn viên đạn đi. Đạn bắn xa được 40 – 50 m, nhưng tầm chuẩn để trúng đích khoảng từ 15- 20 m. Bia là ba chiếc đĩa nhựa từ to đến nhỏ đặt trên khung tre cách người bắn 20 m. Mỗi cung thủ bắn năm phát đạn vào từng đĩa, tổng cộng 15 phát, điểm cứ thế nhân dần lên từ đích to đến đích nhỏ.

Anh Công cho biết, trò chơi này mới được Phòng Văn hóa huyện Tam Đường khôi phục thành môn thể thao thi đấu đến năm nay là năm thứ hai. Nguyên do là thấy từ học sinh người Mông cho đến thanh niên trai tráng, người già (đàn ông) ở Tam Đường ai cũng biết chơi trò này để bắn chim, săn thú nhỏ…

“Thạch cung” đã từng dùng để đánh Pháp…

Nhìn cung đá có vẻ dễ bắn, anh bạn tôi mượn Vảng để bắn thử. Đạn văng ra, không bay đi được mà đập và cánh cung văng ngược lại. Tất cả các cung thủ đứng chung quanh đều cười. Vảng giải thích, trông vậy mà khó lắm. Nếu bắn bằng tên, mũi tên kê lên cánh cung, bật cái là bay đi. Còn bắn đạn sỏi, đá, nếu không biết cách cầm bắn, có khi mất ngón tay cái hoặc bị đạn đập lại vào mặt mình ngay. Cầm cung phải cầm chắc tay, nắm tròn vào, không để ngón cái dọc thân cung vuông góc với đường đạn, khi giương cung phải vặn cổ tay lệch phải để hở kẽ cho đường đạn bay ra chứ không phải đập thẳng vào thân cung.

“Khó thế này thì ai mà bắn được”, anh bạn tôi kêu. Các cung thủ người Mông lại cười, chỉ vào một thanh niên dong dỏng gầy gò: “Thằng Sùng A Lan này, nó mà đi bắn chim, cứ cách 10-15 m là một phát đạn một con chim đấy…”

Trò chơi bắn cung bằng đạn đá này có từ bao giờ? Băn khoăn với câu hỏi ấy, chúng tôi gặp ông Sùng A Khoa, Bí thư xã Giang Ma, người từ hồi trẻ cũng mê chơi cung đá. Ông kể, bắn cung bằng đạn đá có từ lâu lắm rồi, theo truyền thuyết, có một nhóm người Mông thuở xa xưa đi bẫy hổ, con hổ đã mắc vào cần bẫy, cả nhóm thợ săn xúm lại định dùng cung tên bắn chết hổ. Bất ngờ, hổ chồm lên giật đứt dây cần bẫy, phi về phía một người đang cầm cung chưa kịp lắp tên. Chàng ta vội vã quơ vội hòn đá dưới đất nắm vào dây để bật bắn đi. Không ngờ lại may, hòn đá bắn ra trúng vào mắt hổ làm con hổ lùi lại. Có lẽ từ đó, trò bắn cung bằng đạn đá ra đời.

Ông Khoa cũng kể rằng, thời đánh Pháp, có một chiến sĩ du kích người Mông ở Tam Đường đã dùng cung đá bắn mù mắt hai tên lính Pháp xách súng trường tôm – xông đàng hoàng, làm cho chúng phải ôm đầu bỏ chạy. Cây cung tre bắn đá Tam Đường chiến thắng tiểu liên Mỹ vẫn là một huyền thoại mà tất cả trai tráng người Mông Tam Đường đều được nghe người già kể lại…

Trở lại hội thi bắn cung đá, đến 10-3, sau buổi chung kết, em Sùng A Lan (xã Nùng Nàng) đoạt giải nhất, Giàng A Vảng – người hướng dẫn chúng tôi bắn thử - chỉ đoạt giải nhì, giải ba thuộc về Chảo A Thông (xã Sơn Bình).

Chia tay với ngày hội văn hóa Mông Tam Đường, chúng tôi được biết Phòng văn hóa huyện sẽ lên kế hoạch đưa môn bắn cung đá độc đáo này vào thi đấu ở ngày hội văn hóa Mông ở cấp tỉnh và đi giới thiệu thi đấu, giao lưu ở cách tỉnh bạn trên khắp miền Tây Bắc…

VŨ LÂM
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm