NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC TẠI LAI CHÂU

Cập nhật: 26/10/2017
Ngày nay, việc tham quan trải nghiệm, nghiên cứu các giá trị di tích lịch sử và truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số đang là một trong những loại hình du lịch mà các nước đang phát triển hướng tới trong đó có Việt Nam. Chúng ta, có thể nhìn thấy một thực tế rằng hiện nay có rất nhiều khách du lịch có nhu cầu tham gia những tour du lịch trải nghiệm giá trị về di tích lịch sử và văn hóa truyền thống tại khu vực miền núi phía Tây Bắc, đây là một trong những tín hiệu đáng mừng cho những địa phương đã và đang sở hữu kho tàng những giá trị di tích lịch sử và văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số.
Hiện nay Lai Châu đang lưu giữ 21 di tích đã được xếp hạng: có 04 di tích cấp quốc gia (Động Tiên Sơn; Di tích lịch sử văn hóa bia Lê Lợi; Di tích danh lam thắng cảnh quần thể hang động Pusamcap và di chỉ khảo cổ học Nậm Tun) và 17 di tích cấp tỉnh (hang kháng chiến Nà Củng, hang Thẩm Tạo – Phong Thổ; Thác Tắc Tình…) trong đó có 06 di tích lịch sử văn hóa, 11 di tích danh lam thắng cảnh; 02 di tích tôn giáo tín ngưỡng; 02 di tích khảo cổ học. Những di tích được xác định là một trong những nguồn tài nguyên vô giá để Lai Châu khai thác phát triển loại hình du lịch tham quan nghiên cứu.



Không chỉ sở hữu các di tích lịch sử được xếp hạng mà Lai Châu còn là một trong những mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên sự hoàn chỉnh của bức tranh đa văn hóa của Việt Nam. Có thể thấy Lai Châu cũng là một trong những mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình du lịch tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu văn hóa, trong đó cần kể đến các điểm đến mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào Lự, Lào, Thái trắng, Mông như: Bản Vàng Pheo, Bản Sin Súi Hồ (Phong Thổ); Bản Nà Luồng, Bản Hon (Tam Đường); Bản Gia Khâu (thành phố Lai Châu). 
Trong kho tàng Văn hóa truyền thống của dân tộc Lự tại Bản Hon, chúng ta không thể không nhắc đến những yếu tố như: kiến trúc nhà Sàn (bởi đây là một trong những nét đẹp thể hiện sự tinh tế của người Lự); ẩm thực; trang phục truyền thống; những phong tục tập quán luôn ẩn hiện trong cuộc sống thường nhật; nghề duyệt thổ cẩm truyền thống còn được phụ nữ nơi đây lưu giữ với các sản phẩm tinh xảo như: váy, áo, khăn bằng vải chàm có thêu hoa văn bằng chỉ thổ cẩm... và có một điều đặc sắc trong văn hóa người Lự là tục nhuộm “Răng đen” một trong những nét văn hóa mang tính điểm nhấn của người phụ nữ với điểm xuyết một vài chiếc răng bằng vàng giả còn giữ được đến tận ngày nay. 
Bên cạnh đó, văn hóa của người Lự còn được thể hiện qua nhiều phương diện khác như: Những làn điệu dân ca khỏe khoắn mà không kém phần trữ tình, đằm thắm. Người Lự họ rất yêu văn nghệ, khi có khách đến chơi họ sẵn sàng thổi sáo, thổi khèn, chơi đàn nhị, chơi trống…Tất cả những giá trị văn hóa truyền thống mà người Lự còn lưu gửi đến tận ngày nay sẽ là điều hấp dẫn, thu hút du khách và chúng ta có thể dựa vào những thế mạnh trong văn hóa đó để khai thác phát triển loại hình du lịch cộng đồng bền vững tại địa phương, đưa đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với Lai Châu. 
Nếu văn hóa người Lự vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ bất chấp dòng chảy của thời gian, thì Văn hóa của người Thái trắng tại Mường So; người Mông – Sin Súi Hồ (Phong Thổ), Bản Gia Khâu (thành phố Lai Châu) cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Vì vậy, chúng ta cần phải bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa người Thái trắng tại bản Vàng Pheo, Văn hóa người Mông tại Sin Súi Hồ, gia khâu. 
Hiện nay, người Thái trắng xứ Mường So vẫn lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của 36 điệu xòe, nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng như: lễ hội Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu hay lễ hội Cơm Mới (rằm tháng 9 âm lịch); những hương vị ẩm thực đặc sắc với món cá nướng, cá bống vùi tro, rêu đá…và cả những giá trị văn hóa phi vật thể vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn từ những ngôi nhà sàn đến những bộ váy áo truyền thống của Phụ nữ Thái…và người Mông tại Bản Sin Súi Hồ, Bản Gia Khâu cũng lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một bởi thời gian với kiến trúc nhà trình tường, những bộ váy áo truyền thống của Nam, Nữ; nghề rèn và nghề thêu…
Để có thể phục vụ cho nhu cầu khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa của du khách, ngành du lịch tỉnh xác định lấy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tiêu biểu như: Thái trắng, Lào, Lự, Mông để phát triển du lịch và xem du lịch như là phương tiện để đánh thức, làm trỗi dậy các giá trị di sản văn hóa đang bị lãng quên hoặc mai một dần theo thời gian. Nhờ có hoạt động du lịch mà các di sản văn hóa, các giá trị nhân văn được khôi phục, tôn tạo và phát triển theo thời gian.
Xác định được thế mạnh của du lịch tỉnh là “du lịch cộng đồng gắn với việc trải nghiệm nghiên cứu giá trị lịch sử” nên ngành du lịch tỉnh rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc như: Thái trắng, Lào, Lự, Mông để phát triển du lịch bền vững trong tương lai và xem du lịch như là một trong những phương tiện để đánh thức làm trỗi dậy những giá trị văn hóa đang bị lãng quên hoặc mai một theo dòng thời gian, từ đó góp phần vào việc xây dựng hình ảnh văn hóa du lịch Lai Châu nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào vẫn giữ nguyên được các di tích lịch sử cũng như sự đặc sắc trong văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại tỉnh để có thể khai thác phát triển du lịch bền vững hướng tới xóa đói giảm nghèo cho người dân mà vẫn có thể phù hợp với cuộc sống hiện tại là một việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và đặc biệt là chính chủ thể sáng tạo nên chúng. 
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di tích lịch sử và văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc: Thái Trắng, Lào, Lự, Mông phục vụ phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Lai Châu nói riêng cũng như góp phần vào việc làm phong phú bức tranh tổng thể của văn hóa các dân tộc tại khu vực Tây Bắc. Cần có một số giải pháp, cụ thể như sau:
Một là: Cần phải đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch và bản sắc văn hóa của dân tộc: Thái trắng, Lào, Lự, Mông thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng kết hợp nghiên cứu trải nghiệm giá trị di tích lịch sử với xóa đói giảm nghèo tại từng địa phương. Cần có quy hoạch tổng thể bảo tồn phát huy giá trị di tích và văn hóa 
Hai là: Tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa con người Lai Châu và tập trung vào việc xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với mở rộng và chủ động trong giao lưu, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần làm phong phú thêm văn hóa tại từng địa bàn đặc thù trên toàn tỉnh.
Ba là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và văn hóa truyền thống. Xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử - Văn hóa. Kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ và tham gia đầu tư của các cá nhân, tổ chức vào công tác tu bổ, tôn tạo di tích và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số.
Bốn là: Cần đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở. Bởi chính họ là người có thể kịp thời phát hiện những sai phạm hay những biến động bất thường diễn ra trên địa bàn, họ cũng là người có thể tham gia góp ý một cách cụ thể vào các dự án bảo tồn văn hóa trên địa bàn mình quản lý một cách sát thực nhất.
Năm là: Tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trẻ những kiến thức, cách sử dụng và làm cho họ hiểu họ chính là những chủ nhân tương lai cho việc bảo tồn những giá trị di tích lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để từ đó có thể nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa mà ông cha đã để lại
Một khi chúng ta có thể làm tốt những vấn đề trên, thì việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, từng bước xây dựng chúng thành sản phẩm du lịch có giá trị để phát triển du lịch bền vững tại địa phương giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất mà họ đang gieo mầm là điều có thể.
                                                                                             Phòng quản lý du lịch

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm