NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Gìn giữ bản sắc dân tộc gắn với du lịch cộng đồng

Cập nhật: 23/10/2020
Nhắc đến các sự kiện văn hóa ở huyện Than Uyên diễn ra trong một năm thì không thể không kể đến ngày “tết Độc lập” mùng 2/9. Đây là hoạt động thường niên được Nhân dân trong huyện gìn giữ từ bao đời nay.

Chúng tôi có dịp tham gia sự kiện lớn này. Ở đó, chúng tôi như lạc vào một rừng hoa sắc màu của những bộ trang phục lộng lẫy, kiêu sa: nào là váy cóm của thiếu nữ người Thái khoe trọn đường cong cơ thể; rồi váy xúng xính đầy hạt cườm, đồng xu bạc của mấy chị, mấy em người Mông kết hợp với chiếc mũ vành đội đầu truyền thống; hay vẻ đẹp duyên dáng, thướt tha của người phụ nữ Dao, Khơ Mú. Đặc biệt, chúng tôi hòa mình theo âm thanh trong trẻo, ngân nga của đàn tính tẩu, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã; được xem những màn biểu diễn múa khèn đẹp mắt; tham gia các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, giã bánh giày, kéo co, tó má lẹ và thưởng thức ẩm thực văn hóa các dân tộc.

Câu lạc bộ đàn tính, hát then (huyện Than Uyên) giao lưu văn hóa dân tộc Thái.

Có lẽ không chỉ riêng chúng tôi mà người dân, du khách ở các nơi đều cảm nhận rằng, bao nhiêu nét đặc sắc, tinh hoa văn hóa của các dân tộc đều được phô diễn trong ngày “tết Độc lập”. Được thấy, trải nghiệm với nền văn hóa của nhiều dân tộc, chúng tôi càng yêu, tự hào hơn về giá trị, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, Lai Châu nói riêng.

Ông Hoàng Văn Phó (dân tộc Khơ Mú ở bản Thẳm Phé, xã Mường Kim) phấn khởi: Bản sắc văn hóa dân tộc với chúng tôi là vô giá, là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Khơ Mú. Hiện nay, người Khơ Mú trong bản vẫn giữ được nếp nhà sàn, trang phục, nghề đan lát, rượu men lá, các bài hát, điệu múa trống, múa chiêng, lễ cúng cơm mới...

Xác định văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp tới sự phát triển toàn diện bộ mặt nông thôn của huyện, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Than Uyên triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của giá trị văn hóa đối với đời sống. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lưu động, đưa thông tin về cơ sở; tuyên truyền các loại hình văn hóa dân gian; khuyến khích người dân chú trọng bảo tồn lễ hội, ẩm thực, văn nghệ dân gian; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các loại hình kiến trúc cổ đặc trưng như: nhà sàn, nhà đất. Hàng năm, Phòng phối hợp với các đơn vị xã, thị trấn duy trì tổ chức các lễ hội đầu xuân; trên 50 chương trình văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng; từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa.

Đồng chí Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã ban hành văn bản lãnh, chỉ đạo sưu tầm và phục dựng lại những nghi lễ, lễ hội dân gian tiêu biểu của từng dân tộc do chủ thể văn hóa là cộng đồng các dân tộc ở các bản tự thực hiện. Qua đó, vừa khôi phục lại văn hóa dân gian truyền thống; vừa phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội Xòe Chiêng, Lễ hội Lùng Tùng (xuống đồng) của dân tộc Thái; Lễ cấp sắc của dân tộc Dao… Sau khi phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội hàng năm quy mô phù hợp với điều kiện của từng bản, từng xã gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo tổ chức cho 22 bản thuộc 8 xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông, góp phần từng bước đẩy lùi các hủ tục, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cùng với đó, huyện thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian, đội văn nghệ. Đến nay, toàn huyện có 2 CLB đàn tính - hát then của dân tộc Thái, 1 Ban vận động CLB văn hóa dân gian dân tộc Mông; duy trì hoạt động thường xuyên của 115 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, khu phố; khuyến khích nhân rộng các mô hình điểm về truyền dạy nhạc cụ dân tộc. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hạ tầng thiết chế văn hóa cơ sở; tạo điều kiện cho việc duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Đưa nội dung “gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” vào giảng dạy, hoạt động trong các trường học. Hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn tổ chức được các hoạt động: múa sạp, múa khèn, trò chơi dân gian; thực hiện mô hình không gian văn hóa các dân tộc; nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở đã thành lập CLB thêu, CLB khèn Mông, CLB hát then - đàn tính, thu hút sự tham gia của gần 400 học sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một do sự bùng nổ công nghệ thông tin; thế hệ trẻ ít sử dụng ngôn ngữ và coi nhẹ việc tham gia sinh hoạt văn hóa dân gian... Trên quan điểm “Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, thiết chế văn hóa. Tổ chức truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ) của 4 dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú gắn với phát triển đội văn nghệ quần chúng. Hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống; bảo tồn kiến trúc nhà ở và công trình phụ trợ cho các hộ làm dịch vụ homestay đón khách du lịch...

Đinh Đông

Nguồn: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/g%C3%ACn-gi%E1%BB%AF-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-g%E1%BA%AFn-v%E1%BB%9Bi-du-l%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm