NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

GIẢI PHÁP TẠO DỰNG ĐIỂM NHẤN CHO DU LỊCH LAI CHÂU

Cập nhật: 14/12/2013
Nhắc đến du lịch Lào Cai là du khách nghĩ ngay đến Sa Pa với loại hình du lịch nghỉ dưỡng; Nói đến Điện Biên là du khách nhớ đến ngay quần thể di tích ghi lại dấu ấn của chiến thắng Điện Biên phủ; Còn Phú Thọ là du lịch tâm linh với Đền thờ các Vua Hùng; Hay nhắc đến Hà Giang là phải nhắc ngay đến Cao nguyên đá Đồng Văn mà đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, v.v.. Nhưng khi nhắc tới du lịch Lai Châu thì rất nhiều người còn tỏ ra khá mơ hồ, không biết du lịch Lai Châu có điểm gì hấp dẫn. Điều đó chứng tỏ du lịch Lai Châu chưa tạo dựng được điểm nhấn, chưa tạo ra được nét đặc trưng của du lịch Lai Châu để có thể ghi dấu ấn sâu đậm vào trong tâm thức của mỗi du khách.

Điểm nhấn du lịch có một vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với mỗi địa phương. Điểm nhấn du lịch sẽ tác động trực tiếp đến việc đưa ra quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch. Điểm nhấn du lịch có thể một điểm hoặc khu du lịch, có thể là một loại hình du lịch hoặc một sản phẩm du lịch đặc trưng nhất, nổi bật nhất của mỗi địa phương được ghi dấu trong tâm thức khách du lịch. Các địa phương sẽ có những cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, xây dựng thành thương hiệu du lịch của địa phương. Mỗi một địa phương thì đều có nhiều điểm du lịch, nhiều loại hình, nhiều sản phẩm nhưng phải chọn ra một hoặc một vài điểm du lịch làm điểm nhấn. Việc xác định điểm nhấn cho du lịch địa phương phải được thể hiện trong quy hoạch phát triển du lịch, hay định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Khi đã xác định được điểm nhấn thì địa chính quyền địa địa phương cùng các cấp các ngành cần có những chính ưu tiên phù hợp để thu hút đầu tư, để định hướng phát triển, để xúc tiến quảng bá. Đặc biệt, mỗi địa phương cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu cho điểm nhấn đó để biến thương hiệu của điểm nhấn trở  thành phần cốt lõi trong thương hiệu du lịch của tỉnh.

 Đối với du lịch Lai Châu hiện nay là chưa tạo ra được điểm nhấn và việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ nào để tạo ra điểm nhấn cho du lịch Lai Châu còn đang gặp khó khăn. Trong Quy hoạch Tổng thể Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2006-2020 cũng chưa xác định rõ. Điều này gây khó khăn trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch marketing và các chương trình quảng bá xúc tiến. Việc quảng bá xúc tiến thiếu tính định hướng, thiếu trọng tâm dẫn đến hiệu quả của công tác xúc tiến quảng bá chưa cao.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về khách quan, du lịch Lai Châu có điểm xuất phát gần như từ con số không, nguồn tài nguyên du lịch mới bắt đầu được đưa vào khai thác từ khi chia tách thành lập tỉnh. Về chủ quan, do cơ quan chuyên môn chưa quan tâm đúng mức, chưa xác định được tầm quan trọng của việc tạo dựng điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà.

Từ thực trạng và các nguyên nhân trên, tôi xin đề xuất một số phương án lựa chọn điểm nhấn cho du lịch Lai Châu như sau:

 

Phương án 1: Lựa chọn phát triển loại hình du lịch cộng đồng làm điểm nhấn:

                Tiềm năng:

                - Đang đầu tư khai thác: 04 bản (Bản Hon, Nà Luồng, Vàng Pheo, Gia Khâu).

                - Các xã, bản có thể đầu tư khai thác trong tương lai:

+ Địa bàn huyện Tam Đường: Xã Tả Lèng, bản Nà Hiềng, bản Nà Đon, xã Bản Giang, xã Sùng Phài, xã Giang Ma, xã Hồ Thầu.

+ Địa bàn huyện Phong Thổ: Xã Mường So, Sì Lở Lầu, Dào San.

+ Địa bàn huyện Tân Uyên: Bản Phiêng Hào, bản Phiêng Phát.

+ Địa bản huyện Than Uyên: Xã Hua Nà, xã Mường Kim.

+ Địa bàn huyện Sìn Hồ: Xã Tả Phìn, ….     

                Như vậy, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có trên 20 bản có khả năng phát triển du lịch cộng đồng.

Thuận lợi:

                - Phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với xu thế phát triển của ngành du lịch thế giới nói chung. Đây cũng là mô hình được triển khai thực hiện thành công ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới và trong khu vực.

                - Loại hình hình du lịch này đảm bảo được các yếu tố về phát triển vững, ít tác động đến môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, tăng cường bình đẳng giới v.v…

                - Đây là loại hình du lịch thu hút chủ yếu là du khách quốc tế .

- Tỉnh Lai Châu là địa bàn cư trú của 20 dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo vẫn đang được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

- Loại hình du lịch này đã và đang được triển khai tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ,…

 

Khó khăn hạn chế:

- Khó khăn trong việc giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay có nhiều phong tục tập tập quán tạo nên những nét văn hóa đặc trưng đang dần bị mai một: Như tục nhuộm răng đen của người Lào, người Lự; tục xăm cằm của người Mảng; văn hóa, văn nghệ dân gian; Thói quen sinh hoạt, nếp sống hàng ngày cũng đang dần thay đổi. Vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao vừa khai thác, phát huy và lại vừa giữ gìn, bảo tồn.

- Thị trường khách chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Nhu cầu của khách du lịch trong nước về du lịch cộng đồng chưa cao.

- Khó khăn về công tác quốc phòng an ninh: Đây là một vấn đề nhậy cảm. Lai Châu là một tỉnh biên giới với đại đa số nhân dân là bà con các dân tộc ít người dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền những vấn đề sai trái với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do vậy, ở Lai Châu vấn đề quốc phòng an ninh luôn đặt lên hàng đầu. Việc kiểm soát, quản lý du khách nước ngoài trên địa bàn cũng cần phải chặt chẽ, đặc biệt du khách tới và lưu trú các thôn bản du lịch cộng đồng có dịch vụ homestay. Vấn đề đặt ra làm sao phải vừa quản lý chặt chẽ được du khách nhưng không gây phiền hà, thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là tránh các hành sách nhiễu, xâm phạm đến quyền tự do đi du lịch của du khách.

Giải pháp

- Cần đề ra được định hướng phát triển du lịch của tỉnh, để du lịch Lai Châu có được hướng đi rõ ràng và lựa chọn hướng đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển.

- Phải huy động sự chung tay của các cấp các ngành, chính quyền địa phương, đoàn thể cùng tham gia công tác phát triển du lịch.

- Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho bà con các dân tộc để phục vụ khách du lịch.

- Lồng ghép các chương trình trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục,… với các chương trình phát triển du lịch.

- Phải có kế hoạch (chiến lược) marketing từ ngắn hạn đến trung hạn tập trung vào việc xúc tiến quảng bá về du lịch cộng đồng.

- Nhà nước cần hỗ trợ về vốn cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng: Chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…

- Kêu gọi các tổ chức quốc tế tư vấn hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đào tạo nhân lực, quảng bá, v.v..

- Đẩy mạnh quá trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch đặc biệt là liên kết vùng trong việc xây dựng tour, tuyến du lịch, trong công tác quảng bá xúc tiến,..

- Sớm ban hành quy chế quản lý khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

 Phương án 2: Lựa chọn phát triển Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cao nguyên Sìn Hồ.

Tiềm năng:

Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu. Nơi đây khí hậu khá giống với thị trấn Sa Pa, quanh năm mát mẻ tạo điều kiện cho nhiều giống hoa, quả ôn đới như mận, đào, lê… phát triển. 

Từ thị xã Lai Châu, đường lên Sìn Hồ ngang qua nhiều khu rừng rậm với những thung lũng, khe suối cùng hệ thống hang động khá phong phú. Từ Điện Biên có thể đến Sìn Hồ theo quốc lộ 12 lên Mường Lay, đến ngã ba Chăn Nưa rồi rẽ vào tỉnh lộ 128 để có dịp đi dọc theo dòng sông Đà hùng vĩ, chinh phục hai đoạn đèo Ma Thì Hồ (Mường Lay) và Chăn Nưa (Sìn Hồ) quanh năm mây phủ. Dù đi theo đường nào, du khách cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ cùng cảm giác mạo hiểm khi uốn lượn theo cung đường lên xuống dốc, ngoắt ngoéo đến chóng mặt…

Sìn Hồ tập trung nhiều cảnh đẹp hấp dẫn như cổng trời, núi Tiên Ông, núi Ô Đá… gắn liền bao truyền thuyết ly kỳ.

Sìn Hồ có phiên chợ họp vào hai ngày cuối tuần. Tuy bắt đầu nhóm vào sáng thứ Bảy nhưng lúc này chợ chủ yếu thu hút người bản địa sống quanh thị trấn, chỉ qua ngày Chủ nhật mới thực sự đông vui rộn ràng khi người từ các thôn bản xa xôi đổ về, từ người Mông đỏ vùng Chăn Nưa, Làng Mô hay người Lự, Dao ở Phăng Xô Lin đến người Mông hoa, Phù Lá tận xã Pu Sam Cáp cách thị trấn Sìn Hồ đến cả ngày đi đường… Họ đến đây địu theo những hàng hóa thường là do nhà làm ra. Những gương mặt hiền hòa chân chất, những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, những tiếng xì xào mua bán cùng tiếng cười giòn tan bên những món ăn mang theo hương vị của núi rừng đã hợp thành một bức tranh màu sống động ngập tràn thanh âm đời sống…  

Thuận lợi:

- Phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch.

- Cao nguyên Sìn Hồ còn rất nguyên sơ nên rất thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển du lịch một cách khoa học để đảm bảo các yếu tố về phát triển bền vững, có thể hạn chế tối đa những tác động đến cảnh quan môi trường. Có thể học hỏi kinh nghiệm và khắc phục được những hạn chế của các điểm du lịch nghỉ dưỡng khác như Tam Đảo, Sa Pa.

- Thị trường khách đa dạng cả trong và ngoài nước.

Khó khăn hạn chế:

- Quy hoạch phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng ít nhiều cũng sẽ có tác động và gây nên sự xáo trộn đối với đời sống kinh tế xã hội của địa phương: Từ công tác đền bù giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư, sản xuất nông nghiệp, v.v..

- Đầu từ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

- Thời gian triển khai thực hiện từ khảo sát lập quy hoạch đến triển khai các hạng mục đầu tư, rồi xây dựng sản phẩm sẽ là cả một quá trình kéo dài về mặt thời gian.

- Do có những điều kiện tự nhiên khá giống với Sa Pa nên khó tránh khỏi sự trùng lặp về sản phẩm và dịch vụ dẫn tới những sự cạnh tranh không mong đợi.

Giải pháp:

- Phải sớm lập quy hoạch Quy hoạch chi tiết cho Khu du lịch nghỉ dưỡng Cao nguyên Sìn Hồ.

- Cần đề ra được định hướng phát triển du lịch của tỉnh, để du lịch Lai Châu có được hướng đi rõ ràng và lựa chọn hướng đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển.

- Phải có kế hoạch hoặc chiến lược marketing từ ngắn hạn đến trung hạn tập trung vào việc xúc tiến quảng bá cho du lịch nghỉ dưỡng Cao nguyên Sìn Hồ.

- Ban hành chính sách kêu gọi thu hút, ưu đãi, khuyến khích đầu tư thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi sự thành công trong việc xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng với quy mô lớn thì vai trò của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là rất quan trọng.

- Phải nhanh chóng đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là vấn đề giao thông.

- Cần quan tâm chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo vệ sự đa dạng sinh học với các nguồn gen quy hiếm về các loại dược liệu.

Cao nguyên Sìn Hồ có thể là phương án của giai đoạn sau vì cần một thời gian dài để đầu tư xây dựng.

Đề xuất kiến nghị:

                Với những thực trạng của ngành du lịch Lai Châu hiện nay, để tạo ra được điểm nhấn cho du lịch Lai Châu, tôi xin kiến nghị một số vấn đề như sau:

Đối tỉnh Lai Châu:

Các cấp các ngành cần quan tâm, ưu tiên hơn nữa đối với vấn đề phát triển du lịch của tỉnh nhà từ vấn đề về cơ chế chính sách đến vấn đề đầu tư nguồn vốn, đầu tư về nguồn nhân lực, v.v..

Hàng năm, các huyện cần bố trí ngân sách cho hoạt động du lịch, ngân sách cho hỗ trợ tư vấn, khảo sát đánh giá, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến.

Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thị xã phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác du lịch.

Đối với Tổng cục Du lịch (Các vụ, viện, đơn vị, Dự án EU):

Quan tâm hơn nữa đối với các địa phương có điều kiện khó khăn để phát triển du lịch.

Hỗ trợ tỉnh Lai Châu trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là các lớp đào tạo về ngoại ngữ.

Hỗ trợ Lai Châu trong các hoạt động xúc tiến quảng bá.

Hoàng Văn Trọng
Cập nhật ngày 12/12/2013


Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm