NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Độc đáo nghề đan ghê mây

Cập nhật: 28/07/2016
Chiếc ghế mây nhỏ bé từ lâu đã trở lên thân quen với đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con các dân tộc Lai Châu. Hình ảnh ghế mây được SỬ DỤNG trong những dịp lễ, tết, ngày vui cưới hỏi, thể hiện nét đẹp của một nghề thủ công truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế HỆ của đồng bào dân tộc Dao, Giáy...ở Lai Châu.
Vòng mây được treo lên bếp tới khi óng vàng

Chắc hẳn ít ai biết được để thành phẩm một chiếc ghế mây, người nghệ nhân đã trải qua những công đoạn khó nhọc thế nào. Nguyên liệu chính để làm nên chiếc ghế được làm từ cây mây, trước đây bà con dân bản phải đi hàng ngày trời để vào rừng lấy mây, những cây mây càng già, thân mây to là ưu tiên hàng đầu. Theo những người làm ghế có kinh nghiệm để có thể khai thác và sử dụng cây mây phải có tuổi thọ từ 2 năm trở lên. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường tăng lên, bà con đã tiến hành khoanh vùng trồng mây để chủ động hơn trong khâu nguyên liệu. Một số xã làm mây tiêu biểu như Tả Lèng, bản Tả Chải xã Hồ Thầu. Công đoạn đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là tạo khung xương cho chiếc ghế, những đoạn thân mây to được hơ qua lửa đỏ trong một khoảng thời gian nhất định và được uốn cố định hình tròn, đường kính khoảng 30 cm, đây cũng chính là đễ của chiếc ghế. Tiếp đến, người nghệ nhân làm uốn thêm một vòng tròn, đường kính khoảng 25 cm đây chính là mặt của chiếc ghế. Để cố định bộ khung, những thanh gỗ chắc thịt được vót nhẵn và gắn cố định xung quanh hai vòng tròn, những thanh gỗ này quyết định tới chiều cao của chiếc ghế. Mỗi thanh gỗ dài từ 20 đến 30 cm, chiều dài thanh gỗ phụ thuộc vào ý đồ của nghệ nhân làm ghế và nhu cầu người sử dụng trên thị trường. Công đoạn tiếp theo chính là vót nan, mây được vót mịn dọc theo chiều dài của thân mây, sau đó được cột thành từng bó rồi treo lên gác bếp chừng 6 tháng trở lên. Đây là yếu tố tạo nên màu óng cho nan mây, thời gian treo càng lâu thì nan mây càng vàng óng và bền. Sau khi bộ khung đã được hình thành, người nghệ nhân tiến hành đan, một vòng mây nhỏ được đặt dưới vòng mây làm mặt ghế. Lúc này, nan mây được đan một lần trước theo hình mạng nhện để cố định lại cho khung mây, mặt ghế và thanh gỗ sao cho chắc chắn nhất có thể. Sau khi đan xong hình mạng nhện, người nghệ nhân tiếp tục đan hoàn thiện mặt ghế, đan nong đôi là cách đan được sử dụng cho đến khi mặt ghế được phủ kín bằng các nan mây. Sau khi hoàn thành sản phẩm, một lần nữa chiếc ghế được treo lên gác bếp để tạo màu vàng óng cũng như độ bền của chiếc ghế. Thời gian để một nghệ nhân hoàn thành một chiếc ghế mất từ 1 tới 2 ngày khi đã có đủ điều kiện cần để thực hiện, bên cạnh đó tay nghề của nghệ nhân cũng ảnh hưởng tới thời gian làm ghế. Với những nghệ nhân lâu năm và kinh nghiệm có thể đan được 35 – 40 chiếc trên tháng. Một chiếc ghế mây có tuổi thọ khoảng 20 năm, giá mỗi chiếc ghế mây trên thị trường có giá dao động từ 120.000 -150.000 nghìn đồng. Hiện nay, chiếc ghế mây không chỉ phổ biến trong đời sống sinh hoạt của bà con các dân tộc Lai Châu mà còn là sản phẩm được các tỉnh miền xuôi rất ưa thích. Chiếc ghế mây có độ bền rất cao, lại thuận tiện trong đời sống hàng ngày, ghế mây hay những sản phẩm làm từ mây đang trở thành sản phẩm lưu niệm được du khách mua làm quà cho mỗi chuyến đi xa.

Để thành phẩm một chiếc ghế mây hoàn chỉnh trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ 

Trong thời gian tới, để nghề đan ghế mây ngày càng phát triển hơn nữa, chúng ta cần đưa ra  một số giải pháp để khuyến khích và hỗ trợ phát triển làng nghề như: thành lập hợp tác xã làng nghề, mở rộng vùng trồng nguyên liệu mây trên địa bàn, truyền nghề cho thế hệ trẻ để củng cố thế hệ kệ cận nghề truyền thống, giới thiệu quảng bá làng nghề trên nhiều phương tiện thông tin và điều quan trọng nhất là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để nghề đan ghế mây nói riêng và các nghề thủ công truyền thống nói chung ở Lai Châu luôn phát triển và mang lại thu nhập ổn định cho bà con nơi đây.

Những chiếc ghế mây không chỉ có giá trị sử dụng lâu bền mà ẩn trong nó là cả một nét đẹp văn hóa, thể hiện bàn tay  tài hoa của những nghệ nhân đã làm ra nó. Với những ai đã thấy, sử dụng ghế mây và đã tận mắt chứng kiến người nghệ nhân làm từng công đoạn thì đây thực sự là một sản phẩm vô cùng hữu ích, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con các dân tộc vùng cao.
                                                                                                                  Nguyên Minh

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm