Giữ gìn nghề bánh bỏng San Thàng
Cập nhật: 11/07/2018
Nghề làm bánh bỏng của dân tộc
Giáy ở bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu đã tồn tại từ rất lâu
đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2013, tại xã San Thàng, thành
phố Lai Châu đã công nhận làng nghề và thành lập Tổ liên kết sản
xuất bánh truyền thống dân tộc Giáy để bảo tồn, phát huy làng nghề
truyền thống của dân tộc.
Bánh bỏng Sang Thàng có vị ngọt dịu, vừa, giòn tan và dễ ăn. Điều đặc biệt
là người dân tộc Giáy ở đây làm bánh bỏng hoàn toàn theo phương pháp thủ công
không sử dụng bất kỳ một thiết bị máy móc nào. Do vậy, mỗi công đoạn từ khâu
sàng đãi, rang gạo, làm đường dẻo… đến đóng khuôn, gói bánh đều được thực hiện
rất cẩn thận và tỉ mỉ.
Gạo nếp phải là loại ngon, thường là nếp
cái hoa vàng hạt tròn to sẽ được ngâm qua đêm cho nở đều. Sau khi ngâm xong,
nếp được vớt ra để ráo nước rồi trộn đều với mỡ nước và đưa lên đồ. Khi hạt nếp
chín mềm sẽ đem phơi, giã mỏng như cốm rồi tiếp tục phơi cho đến khi khô giòn.
Từ
gạo đã được phơi đem rang lên cho đến khi nổ phồng, có màu vàng nhạt. Ngoài
ra, đường trắng sẽ được đun cho tan chảy, cùng với kẹo kéo và một phần
nước để tạo kết dính. Khi đường nóng chảy đạt đến độ dẻo nhất định thì
đổ gạo đã rang vào đường trộn đều rồi đưa lên khuôn ép, cắt thành những chiếc
bánh bỏng thành phẩm…
Trước đây, bánh bỏng là một trong những món bánh không thể thiếu trong ngày
tết của đồng bào Giáy, do đó nó cũng chỉ được làm vào những dịp lễ tết quan
trọng. Ngày nay, nhu cầu thị trường lên cao, người dân mua ăn rồi truyền nhau,
bánh bỏng trở thành một mặt hàng đem lại nguồn thu kinh tế đáng kể cho đồng bào
dân tộc Giáy nơi đây.
Ngoài
bánh bỏng, người dân tộc Giáy ở San Thàng còn làm hàng chục loại bánh khác như
bánh phở, bánh tẻ, bánh nếp, bánh bò, bánh bột, bánh rán… Bánh được bà con bán
nhiều tại ngày chợ phiên của xã vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần./.
Bài; ảnh: Hồng Vân (Phòng Quản Lý Văn hóa)
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.