Hôm nay, gia đình Tẩn A Cộng - bản Nậm Lò làm lễ cấp sắc cho 2 con trai, cửa nhà anh người ra người vào tấp lập. Người lo bếp núc, củi đuốc, người gọt khoai, thái đu đủ…Các thầy cúng thì lo lập đàn, dán tranh thờ, chuẩn bị các đồ cúng tế cùng áo váy, mũ sừng… dân làng đem đến trống, nhị, tù và, sập sèng chật kín nhà.
Theo lời thầy cúng Lý A Làn (thầy cả) chủ trì lễ Tủ Cải cho biết: “Khác với Dân tộc Dao đỏ, Dao đầu bằng thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12 trở lên. Riêng người Dao Tuyển ở Nậm Lò làm lễ cấp sắc từ 6 tuổi”.
Theo thủ tục trước khi tiễn đứa trẻ lên lễ đài thầy cúng và người
chịu lễ đi quanh ngũ đài 3 vòng.
Lễ Tủ cải người Dao Tuyển nơi đây thường tổ chức vào thời gian nông nhàn trong năm như thời điểm kết thúc vụ mùa, hay đầu năm mới. Lễ không diễn ra theo thời gian nhất định mà phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.Trong lễ Tủ cải có rất nhiều các nghi lễ như: Lễ bắc cầu đón thánh xuống nhà đàn, lễ thay y phục cho tổ tiên vào chay đàn, lễ cấp soái… Nhưng với bà con dân tộc nơi đây một trong lễ quan trọng là lễ đặt tên âm (tên thứ 2). Bởi theo quan niệm của người Dao khi cúng lễ tổ tiên không dùng tên thật. Có nghĩa là khi ấy người con trai đã trưởng thành có thể “danh chính ngôn thuận”, “giao tiếp” với tổ tiên. Và cái tên âm sẽ theo người đó đến khi chết. Nếu người đàn ông chưa được thụ lễ phong sắc, chưa được đặt tên âm thì khi chết không được thần linh, tổ tiên nhận mặt.
Rơi đài một nghi lễ biểu tượng cho sự ra đời của đứa trẻ
Trước đây lễ Tủ cải diễn ra 7 ngày 7 đêm, nhưng đến nay chỉ còn 3 ngày 2 đêm. Để chuẩn bị cho lễ Tủ cải, nhiều gia đình phải chuẩn bị đó trước cả năm, các lễ vật, thực phẩm cho buổi lễ gồm: Lợn, gà, xôi, rượu, cá; đèn dầu, nhang hương, vàng mã… nhà có điều kiện còn mổ cả trâu. Trước ngày tổ chức lễ, gia chủ mang lễ đến nhờ thầy cúng chọn ngày lành tháng tốt. Và để lễ Cấp sắc diễn ra suôn sẻ trước đó, cha mẹ đưa con đến nhà thầy cúng, để thầy dạy về những nghi thức cơ bản khi hành lễ sao cho thành thục.
Để làm được lễ Tủ cải, gia đình phải mời đủ 6 ông thầy cúng, mỗi ông thầy với quyền hạn khác nhau. Người được chọn làm thầy trong lễ phải là người đã được cấp sắc, nghĩa là được cộng đồng thừa nhận, đồng thời phải là người, có uy tín, am tường lý lối, thông thạo chữ Dao cổ. Nhưng trong một năm ông thầy này chỉ được làm lễ cho một đám. Khi được mời làm lễ cấp sắc các thầy cúng và người được thụ lễ phải kiêng trước đó một tuần không nói bậy, chửi tục, không quan hệ nam nữ. Trong 3 ngày làm lễ, chỉ bữa đầu tiên của ngày thứ nhất mọi người được ăn mặn còn các ngày tiếp theo thầy cúng, người được thụ lễ, gia đình và những người giúp việc chỉ được ăn chay, kiêng các đồ có mỡ động vật; riêng cá được ăn, nhưng phải là cá hấp, hoặc cá luộc, cá nấu canh không cho mỡ. Người Dao quan niệm con cá sống dười nước, không có gì sạch bằng nước, nên trong lễ cúng ngoài thịt lợn, gà, xôi, bánh mật thì bắt buộc phải có đĩa cá hấp.
Sau lễ Tủ Cải, những đứa trẻ được thụ lễ sẽ có thêm những người bố, chính là những người thầy đã đặt cho chúng cái tên mới, từ đây người thầy có trách nhiệm truyền dạy nghi lễ, dạy chữ nho để đứa trẻ lớn lên được trang bị đầy đủ những kiến thức của người đàn ông Dao được xã hội công nhận là người trưởng thành. Và những đứa trẻ này lại có sứ mệnh chân truyền làm thầy.
Đến nay, phong tục tín ngưỡng của người Dao Tuyển đã có nhiều thay đổi, nhưng lễ Tủ cải vẫn được duy trì và cọi trọng. Bởi nghi lễ không chỉ mang đậm sắc màu văn hóa tâm linh mà trong đó chứa nhiều những lễ thức mang ý nghĩa giáo huấn.
Hà Minh Hưng